- -

Nghề Thiết kế đồ họa chưa bao giờ “rẻ mạt” đến thế!

thiet ke re mat
Facebook
Email
Print

Trở thành Designer chỉ sau 6 tháng

4 tháng được gọi là học “chuyên sâu”

“Lướt sóng” học design 1 năm, làm nghề dài lâu

Bạn đang đi làm? “Tranh thủ” học 5 tháng, làm freelance buổi tối kiếm thêm còn hơn thu nhập fulltime

Học 6 tháng ra làm 4 nghề trong ngành đồ họa bao gồm cả vẽ minh họa

Tôi phải dùng từ rẻ mạt, ăn sổi, lướt sóng, tàu nhanh… và thiếu cái tâm làm giáo dục – đào tạo.

Tâm lý của người học thời 4.0 nay sống gấp quá, cái gì cũng muốn nhanh từ ăn nhanh, nói nhanh đến học cũng muốn nhanh rồi giỏi nhanh – kiếm tiền nhanh – hưởng thụ nhanh… Nhưng không phải cái gì muốn nhanh cũng được, đặc biệt là quá trình nhận thức.

Thiết kế đồ họa bây giờ được coi là một nghề … như thợ !!!

Vì thời lượng học ngắn như một nghề sơ đẳng: 6 tháng – 1 năm. Với thời lượng này chỉ được coi là học nghề sơ cấp, đầu ra là đi làm công việc đơn giản, không phức tạp: như là công nhân may, thợ điện lạnh, gò hàn…

Ấy vậy mà người ta lại quảng cáo rằng đây là một nghề đầy tri thức và chất xám sáng tạo, kiếm tiền rất tốt. Đương nhiên tốt hơn là đi làm công nhân rồi. Được làm việc trong môi trường văn phòng với máy tính, sạch sẽ, văn minh, thanh lịch. Mà lại chỉ cần học với thời lượng của những người thợ.

Tôi thật không hiểu nổi. Nhưng với tâm lý thích: “Ngon- Bổ – Rẻ” mà lại còn phải “Nhanh – Tiện” nữa cơ. Thì người ta thích lắm, đặc biệt là các bạn trẻ. Có thứ như vậy ở trên đời không? Ấy vậy mà người ta tin sái cổ.

Tôi vẫn tâm niệm: Làm giáo dục đào tạo phải có cái Tâm. Đặt cái Tâm lên đầu mới làm giáo dục tử tế được. Nếu đặt cái khác lên thì gây họa. Gây họa cho cả một thế hệ, cho cả một nghề chân chính.

Tôi chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích hay chỉ góp ý thôi cũng không, chưa bao giờ muốn động đến miếng cơm manh áo của ai. Nhưng các bạn chủ đơn vị đào tạo, các thầy cô… thấy rằng việc đào tạo nghề của chúng ta chỉ cần 6 tháng hay 1 năm là đủ thì có thực sự là các bạn nghĩ như vậy không? Tôi hỏi thật lòng?

Các bạn nhìn những sản phẩm của học viên mình làm, thấy năng lực của các bạn ấy đã đủ để đi làm cái nghề đầy tri thức và tính sáng tạo này chưa? Có vững vàng, tự tin được không?

Hay các bạn vẫn đào tạo, vẫn quảng cáo với những lời có cánh, vẫn cứ dạy các đàn em vì… cái khác chứ không phải vì truyền dạy kiến thức thực sự, truyền dạy cái tâm làm nghề.

Tôi thì coi nghề mình làm vô cùng đáng trân quý. Nếu nghề bác sỹ có lời thề Hippocrates, thì ngành Thiết kế đồ họa mà tôi theo đuổi, tôi cũng có nguyên tắc của mình, và đặc biệt trong việc Đào tạo nghề tôi đang làm, tôi có lời thề riêng dành cho mình. Tôi rất sợ những gì mình dạy làm người khác nhận thức sai và dẫn đến hành động sai và sẽ có người phải nhận hậu quả. Và từ tôi mà gây ra họa. Tôi cẩn trọng với những gì mình dạy, với phương châm giáo dục của mình.

Nhưng cũng phải chia sẻ thật là chính các em SV Monster Lab trước khi vào học cũng có tâm lý muốn học nhanh – kiếm tiền sớm. Nhưng khi vào học rồi thì mời thấy muốn nhanh cũng không được, học rồi, trải nghiệm rồi mới thấy, không dễ như ăn bánh, thấy cái gì cũng muốn học thêm và khai thác hết kiến thức của gần 20 thầy cô mỗi chuyên ngành. Lúc vào guồng học rồi mới kêu “Thầy ơi, cho em thêm thời gian để làm bài. Em muốn bài tốt hơn!”

Chương trình học Thiết kế đồ họa và cả Concept Art của Monster Lab trước đây là 2,5 năm, SV vào học thấy mệt quá vì không đủ thời gian để thẩm thấu hết kiến thức và kỹ năng. Môn nào cũng muốn làm đến cùng cho trọn vẹn bài cuối môn thì chạy bở hơi tai. Nên tôi giãn ra cho các em thở. Thời lượng được đẩy lên 3 năm.

Những bạn mới tìm hiểu ngành bây giờ cũng giống y hệt SV của tôi. Ngành Concept Art còn đỡ, các bạn kiên trì hơn. Chứ ngành 2D thì các bạn sốt ruột hơn nhiều.

Điều gì làm cho các em sốt ruột đến vậy?

Vì lý do cá nhân đặc biệt như lứa tuổi, gia đình…?

Vì áp lực xã hội PHẢI thành công sớm?

Hay là là do quảng cáo, truyền thông về ngành này?

Ngành TKĐH được vô số các đơn vị đào tạo truyền thông rộng rãi, liên tục rằng: Học chuyên sâu “tranh thủ” trong vòng 6 tháng hay “lướt sóng” 1 năm là có thể làm nghề trọn đời, vững vàng, kiếm được tiền nhanh chóng. Rồi là làm freelance tranh thủ buổi tối còn kiếm được nhiều tiền hơn là đi làm fulltime hành chính nghề khác vào ban ngày.

Tại sao các ngành khác không bị truyền thông sai lệch như vậy mà ngành thiết kế đồ họa thì lại tràn lan?

1. Do nhận thức xã hội nói chung về ngành này còn hạn chế nên dễ bị dắt mũi.

Người ta còn chưa hiểu rõ thiết kế đồ họa là gì? Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ còn mù mờ về thiết kế đồ họa chứ chưa nói đến các thế hệ trước. Rất nhiều bạn còn nghĩ rằng thiết kế đồ họa là “Thánh photoshop”.

2. Sản phẩm của nghề này khó đánh giá: đúng sai, đẹp xấu, hiệu quả

Các đơn vị đào tạo có thể make color sản phẩm khiến cho người xem càng không nhận thức được.

Gần gũi với nghề này có nghề Vẽ: Nếu bạn vẽ xấu, người ta nhận ra ngay vì nhìn người nó cứ sai sai, nhìn màu sắc, đường nét không hợp mắt … Công chúng nhận ra dễ dàng.

Còn thiết kế đồ họa thì sản phẩm vô cùng khó nhận biết. Học 3 tháng hay 6 tháng, 1 năm, 5 năm cũng cho ra sản phẩm cuối là một bộ nhận diện thương hiệu. Bộ nhận diện đó có dùng được không, có đẹp không, là tốt hay chưa tốt, có vấn đề gì khi đi vào thực tế không … có “nhảy” ở đâu đó trên mạng không? Công chúng khó mà nhận ra được hay nói thẳng là đa số không nhận ra được.

3. Bị truyền thông sai lệch ngay từ đầu khi nó mới phổ biến ở Việt Nam

Khi Việt Nam cái máy tính còn chưa thông dụng. Các ông họa sỹ còn đang lấm lem màu vẽ giữa đống toan lổn nhổn. Làm đồ họa trên máy tính là oách lắm. Làm trên máy tính là thao tác với các phần mềm vi diệu như Photoshop, Ai. Thế hệ tôi thời ấy choáng ngợp với các tools của photoshop đến nỗi nghĩ rằng nó là Thiết kế đồ họa. Chỉnh sửa, cắt ghép ảnh là thiết kế đồ họa. Mà từ đồ họa còn chẳng hiểu là gì nữa. Đồ là gì mà họa là gì…?

Nên cách đây khoảng hơn 10 năm, một số đơn vị đi tiên phong dạy mấy cái phần mềm này oách lắm. Họ truyền thông bền bỉ: thiết kế đồ họa chủ yếu là học phần mềm. Thêm 1 vài kiến thức và bắt chước các sản phẩm của nước ngoài trên mạng là ra sản phẩm khiến người ta… ồ …à … rồi.

Cứ như vậy ngành này không được giới thiệu trong định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học công thì dạy theo truyền thống, không cập nhật giáo trình và công cụ mới. Các đơn vị đào tạo tư nhân vớt thí sinh trượt đại học, quảng cáo nghe choáng ngợp, ngon ăn thực sự. Và cứ thế như một TRÀO LƯU càng ngày càng dâng cao.

Từ một đơn vị đầu tiên có yếu tố nước ngoài đi tiên phong truyền thông sai lệch mạnh mẽ…. Nhưng họ đã thành công, rất thành công. Thế là các đơn vị khác thấy thế cũng đi theo. Tạo thành một dòng chảy định hình suy nghĩ của cả một xã hội về nghề này. Mà bây giờ, tôi – một mình – đi ngược lại. Ai nghe tôi?

**Trên đây là đôi dòng tâm sự của anh Trần Đức Anh – Founder Monster Lab. 

Ad đã xin phép anh được chia sẻ lại với các bạn đọc. Các bạn hãy chia sẻ quan điểm của mình dưới comment nhé ^^ 

Facebook
Email
Print

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN

Đăng nhập