- -

Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại (Phần 2)

thiết kế và nghệ thuật
Facebook
Email
Print

Tiếp nối bài viết: Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại (Phần 1)

Trường hợp De Stijl và Phong cách Thụy Sĩ (Swiss style)

1. De Stijl

De Stijl thường được gọi là một trào lưu nghệ thuật do mức độ ảnh hưởng đáng kể của nó, nhưng trên thực tế, nó lại là tên của một nhóm nghệ sĩ cùng chí hướng (collective of artists) – do Theo van Doesburg và Piet Mondrian cùng thành lập, dẫn dắt. Ban đầu, “De Stijl” là tên của tạp chí nghệ thuật đương đại do van Doesburg tạo ra, nhằm mục đích tìm kiếm và thâu nạp các nghệ sĩ, kiến trúc sư tiếp nhận một khái niệm nghệ thuật mới mẻ và được mở rộng, những ý tưởng mang tính không tưởng và hướng tới sự hài hòa siêu hình mang đậm tính tâm linh, tinh thần. Mondrian là người đầu tiên van Doesburg tìm tới, cũng chính nhờ Mondrian mà nhóm lớn mạnh, và để lại dư âm mãi cho tới tận bây giờ. Tạp chí De Stijl xuất bản và quảng bá những tư tưởng, quan điểm, và tuyên ngôn của nhóm nghệ sĩ này, đặc biệt là những người dẫn dắt nhóm.

Bố cục với mặt phẳng lớn màu đỏ, vàng, đen, xám và xanh lam (Composition with Large Red Plane, Yellow, Black, Grey and Blue) (1921) – Piet Mondrian

Mondrian là một cái tên cực kỳ quen thuộc với bất cứ ai, ngay cả những người chưa biết tới ông thì vẫn có khả năng rất cao là họ đã nhìn thấy một vài thiết kế lấy cảm hứng trực tiếp từ tranh của ông, hoặc các thiết kế thừa kế ít nhiều tính chất thị giác của chúng.

Váy Mondrian – một thiết kế đã trở thành biểu tượng của Yves Saint Laurent
Một thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ tranh của Mondrian
Previous slide
Next slide

Neoplasticism (Tạo hình mới) là phong cách và ý tưởng hội họa do Mondrian phát triển từ năm 1917 và được thúc đẩy bởi De Stijl. Nó thể hiện tầm nhìn của Mondrian về loại hình nghệ thuật phù hợp với thời hiện đại. Bài luận “Tạo hình mới trong nghệ thuật hình ảnh” của ông được xuất bản trong 12 kỳ của tạp chí De Stijl, trong hai năm 1917-1918.

Nói một cách tóm tắt, Mondrian hướng tới cách tiếp cận nghệ thuật mang tính giản lược, loại bỏ những yếu tố truyền thống của nghệ thuật như phối cảnh và tính đại diện, và chỉ sử dụng ba màu cơ bản: đỏ, vàng, lam; các sắc độ đen, trắng, xám, và các đường thẳng/trục ngang và dọc. Ông hướng tới sự hài hòa phổ quát được tạo ra bởi sự cân bằng, và sự cân bằng đó là giữa các ‘thế lực’ đối lập được đặt cạnh nhau: âm và dương, động và tĩnh, tính nam và tính nữ… được thể hiện bằng các yếu tố hình ảnh tối giản như đã đề cập ở trên. Cái Mondrian hướng tới là trừu tượng tuyệt đối, trừu tượng thuần khiết. Mondrian đã từng ngưỡng mộ và học hỏi nhiều từ trừu tượng phân tích của Picasso và Braque, nhưng ông đã sớm nhận ra rằng, như thế là chưa đủ để đạt tới cái tối hậu mà ông kiếm tìm: trừu tượng tuyệt đối, thuần khiết.

Tác phẩm của Pablo Picasso và Georges Braque vào thời kỳ Lập thể Phân tích

Trong lúc đó – người đồng hành và thậm chí đã chịu rất nhiều ảnh hưởng từ Mondrian – van Doesburg, thì cuối cùng lại bất đồng với ông. Cảm thấy rằng các quy tắc của Neoplasticism là quá cứng nhắc, thậm chí dẫn đến hạn chế, van Doesburg đã phát triển phong cách riêng của mình và đặt tên là “Elementarism” (chủ nghĩa Nguyên tố). Vào năm 1924, ông chính thức giới thiệu phong cách này – dẫn tới là xích mích với Mondrian. Mondrian đã rời De Stijl chỉ vài tháng sau đó.

Bố cục đối ngược trong sự bất hòa số 16 (Counter – Composition in dissonance 16) (1925) – Theo van Doesburg

Điểm khác biệt lớn nhất giữa phong cách Elementarism và phong cách của Mondrian là nằm ở việc cho phép sử dụng các đường chéo – mà theo như Theo van Doesburg – là “một trạng thái của sự phát triển liên tục”. Ngoài ra, mặc dù Mondrian cũng hướng tới việc áp dụng các quy tắc tạo hình của mình cho các hình thức nghệ thuật và thiết kế khác, sự quan tâm của van Doesburg với Gesamtkunstwerk (total artwork – tác phẩm “nghệ thuật tổng lực”là lớn hơn. Do vậy, ông làm việc, một mình và cùng các đồng nghiệp khác, khá nhiều trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất.

Café Aubette, Strasbourg, Pháp – thiết kế của van Doesburg, Jean Arp, và Sophie Taebeur

Sau cuộc chia tay giữa van Doesburg và Mondrian vào năm 1924, năm 1928 tạp chí De Stijl cũng đã xuất bản số cuối cùng. Theo van Doesburg mong muốn tạo ra một nhóm nghệ sĩ mới với sự tiếp cận nghệ thuật tương tự. Năm 1930, ông đã đưa ra bản tuyên ngôn quan trọng của mình là tuyên ngôn về Nghệ thuật Cụ thể (Concrete Art). Vẫn hướng tới nghệ thuật trừu tượng thuần khiết bên cạnh những quy tắc sáng tác sẵn có, nhưng Theo van Doesburg không muốn sử dụng khái niệm “trừu tượng” (abstract) vì ông cho rằng: Khi áp dụng vào nghệ thuật, nó sẽ mang nét nghĩa tiêu cực. Thay vào đó, ông chọn sử dụng khái niệm vốn có nghĩa trái ngược với “trừu tượng” là “cụ thể” (concrete), nghĩ là nó tích cực hơn và hợp lý hơn (và cũng có thể là để thách thức Mondrian). Concrete Art (Art Concret) là tên của tờ tạp chí mới cũng như tên của nhóm nghệ sĩ mới do Theo van Doesburg thành lập tại Paris vào năm 1930. Đáng tiếc là, ông đã sớm qua đời, chỉ một năm sau đó …

2. Swiss Style

Swiss Style (Phong cách Thụy Sĩ) hay International Typographic Style (Phong cách Ký tự pháp Quốc tế) là tên của một trào lưu thiết kế hình thành ở Thụy Sĩ và Đức vào những năm 1950. Trào lưu này phủ khắp thế giới một cách mạnh mẽ trong vòng hơn hai thập kỷ, và những ảnh hưởng của nó còn kéo dài cho tới nay.

Về mặt tính chất thị giác của tác phẩm và tư tưởng nằm sau đó, International Typographic Style thừa kế tinh thần cũng như học hỏi trực tiếp từ De StijlBauhaus và The New Typography (Ký tự pháp mới) của Jan Tschichold. Họ có chung một mantra với Bauhaus, đó là “hình thức đi theo công năng”. Những người tiên phong của trào lưu này, phải kể tới Ernst Keller, Théo Ballmer, và Max Bill. 

Áp-phích một triển lãm tại Kunstgewerbemuseum Zürich (Bảo tàng Nghệ thuật và Thủ công Zurich) của Théo Ballmer

Áp-phích một triển lãm tại Kunstgewerbemuseum Zürich của Max Bill

Từ năm 1918, khi Keller bắt đầu dạy học tại Kunstgewerbeschule Zurich (Trường Nghệ thuật Ứng dụng Zurich), ông đã đưa ra quan điểm rằng: Phương án cho một vấn đề thiết kế cần phải nảy sinh từ nội dung của nó thay vì tạo ra một phong cách cụ thể. Các giải pháp thiết kế thực tế của ông quả thực rất đa dạng. Bên cạnh khóa dạy về thiết kế và Ký tự pháp (typography) này của Keller, các dấu vết ban đầu của Swiss Style cũng có thể được tìm thấy trong chương trình dạy học cấp tiến của Schule für Gestaltung Basel (Trường Thiết Kế Basel). Chương trình này đặt cơ sở trên các bài tập về hình học cơ bản liên quan tới khối lập phương và đường thẳng có từ thế kỷ 19, giúp hình thành khóa Vorkurs (khóa học nền tảng) của trường vào năm 1908 và tiếp tục được sử dụng trong chương trình dạy những năm 1950. Với các mốc thời gian như vậy, ta có thể thấy rằng việc phát triển giáo dục đào tạo tại trường Basel độc lập với Bauhaus và De Stijl.

Trong khi đó, Théo Ballmer đã từng theo học Ernst Keller, sau đó học một thời gian ngắn cuối những năm 1920 tại trường Bauhaus tại Dessau với sự hướng dẫn của Paul Klee, Walter Gropius, và Hannes Meyer. Max Bill cũng từng học tại Bauhaus với Gropius, Meyer, László Moholy-Nagy, Josef Albers, và Wassily Kandinsky từ năm 1927 tới năm 1929. Ballmer và Keller đều chịu sự ảnh hưởng rõ ràng từ các quy tắc tạo hình của De Stijl, sau khi theo học tại Đức, cả hai đều trở về quê hương của mình là Thụy Sĩ để làm việc và giảng dạy. Từ giữa những năm 1940, họ cùng nhau chính thức khởi xướng International Typographic Style và khiến nó phát triển mạnh mẽ.

Vượt lên cả những thành tựu về phong cách và tư tưởng trong thực hành thiết kế, International Typographic Style là cực kỳ quan trọng trong lịch sử thiết kế đồ họa bởi vì đó là trào lưu đầu tiên mà nhà thiết kế hoạch định vai trò của mình và tách biệt nó hoàn toàn khỏi vai trò nghệ sĩ.

3. So sánh De Stijl và Swiss Style

a) Tuyên ngôn của Hội họa Cụ thể:

Chúng tôi nói:

1. Nghệ thuật là phổ quát

2. Một tác phẩm nghệ thuật phải được hình thành và định hình trọn vẹn bởi tâm trí trước khi được thực hiện. Nó sẽ không nhận được bất cứ dữ liệu hình thức nào của tự nhiên, nhục dục, hay tình cảm. Chúng tôi muốn loại bỏ tính thơ trữ tình, kịch tích, tính biểu tượng, và mọi điều tương tự.

3. Bức tranh phải được xây dựng bởi những yếu tố đơn thuần là tạo hình, cụ thể là các bề mặt và màu sắc. Một yếu tố hình ảnh không có bất cứ ý nghĩa nào ngoài “chính nó”; do đó, một bức tranh không có bất cứ ý nghĩa nào ngoài “chính nó”.

4. Việc xây dựng một bức tranh cũng như từng yếu tố của nó phải đơn giản và có thể trực quan kiểm soát được.

5. Kỹ thuật vẽ phải mang tính cơ học, tức là chính xác, phản – ấn tượng.

6. Nỗ lực hướng tới sự rõ ràng tuyệt đối là bắt buộc. 

b) Các nguyên tắc của Phong cách Thụy Sĩ:

  • Thiết kế phải sạch sẽ, gọn gàng, dễ đọc, khách quan
  • Tập trung vào trật tự và sự rõ ràng.
  • Tổ chức các yếu tố thiết kế một cách bất đối xứng và hài hòa dựa trên hệ thống lưới toán học.
  • Nhiếp ảnh (thay cho tranh minh họa) được trọng dụng do tính khách quan.
  • Loại bỏ hoàn toàn tính biểu hiện cá nhân và các phương pháp thể hiện kỳ quặc.
  • Nhà thiết kế xác định rõ vai trò của mình “không phải như một nghệ sĩ mà như một ống dẫn khách quan để truyền thông tin giữa các thành phần của xã hội”, và rằng “thiết kế là một hoạt động có ý nghĩa và quan trọng về mặt xã hội”.

“Thiết kế phẳng” (Flat design) hẳn kế thừa tinh thần của De Stijl và Swiss Style

c) So sánh

Dù là Mondrian hay Theo van Doesburg, Neoplasticism hay Elementarism, hay Concrete Art, thì những nghệ sĩ này và phương pháp tiếp cận nghệ thuật của họ đều đã hướng tới nghệ thuật trừu tượng. Tác phẩm của họ không mang ý nghĩa gì khác ngoài chính nó, hoàn toàn không biểu tượng cho bất cứ điều gì. Và, như thế, có thể nói tư tưởng của họ là phản đề của thiết kế, phản đề của Swiss Style, bởi thiết kế luôn luôn có công năng phản ánh nội dung, truyền tải đi một thông điệp, mang tính biểu tượng cao.

Tuy nhiên, hai trào lưu trái ngược về động cơ và vai trò này lại có chung nhiều quy tắc thể hiện. Quả thực là những người tiên phong của Swiss Style đã chủ động áp dụng các quy tắc thị giác của De Stijl, những quy tắc đó phù hợp với tư tưởng sáng tạo và vai trò công việc họ đặt ra cho mình. Quy tắc thể hiện của De Stijl bắt nguồn từ mục đích hướng tới trừu tượng của nó, nhưng lại hoàn toàn áp dụng được lên thiết kế – thứ có mục đích ngược lại. De Stijl sử dụng các yếu tố tạo hình cơ bản để loại bỏ mọi tính chất biểu tượng, đạt đến trạng thái “không là gì ngoài chính nó” để đạt được trừu tượng thuần khiết. Còn Swiss Style sử dụng các yếu tố tạo hình cơ bản để đạt được sự khách quan tuyệt đối nhằm đảm bảo công năng truyền thông tin của sản phẩm thiết kế. Từ khóa ở đây là sự “hài hòa” – tính chất gắn liền với cảm giác về cái “đẹp” của con người. Và, cuối cùng thì, nghệ thuật và thiết kế đều hướng tới thẩm mỹ, hướng tới cái đẹp?

Đôi lời kết luận

Bản chất của khái niệm “nghệ thuật” vốn dĩ chỉ mọi kiến thức, nhận thức, và kỹ năng mà con người có thể học được để đạt đến tự do. Ý nghĩa xã hội và lịch sử của nghệ thuật sinh ra từ nhu cầu sản xuất các tạo vật có tính thẩm mỹ cao, rồi sau đó chính là nhu cầu được toàn quyền thể hiện và khám phá chính bản thân mình.

Thực tế, nghệ thuật (cổ điển) đã vận hành theo cách là nghệ thuật được tạo ra theo cho một nhóm người rất nhỏ nằm ở đỉnh xã hội. Nghệ sĩ khi đó là công cụ, thiết kế là một phần của quá trình sản xuất nghệ thuật.

Khi xã hội loài người phát triển mạnh mẽ nhờ sức mạnh của công nghệ, cấu trúc xã hội thay đổi, kiến thức được dân chủ hóa, nghệ thuật cũng được dân chủ hóa, con người lại có được quyền để tìm đến tự do. Mọi người đều có trở thành nghệ sĩ.

Đồng thời, vai trò thiết kế hình thành rõ rệt và tách biệt với vai trò nghệ sĩ. Sự phân biệt giữa nghệ thuật và thiết kế là công năng, và một trong những điểm chung lớn nhất giữa nghệ thuật và thiết kế là hướng tới thẩm mỹ. Phân biệt được hai vai trò này giúp việc thực hành lẫn tiếp nhận tác phẩm sáng tạo được dễ dàng hơn.

                                                                                                                                                     Tác giả: Lê Hương Mi

Về tác giả

Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.

Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế.

Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy…

Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Facebook
Email
Print

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN

Đăng nhập