Quy trình vẽ tranh digital

quy trình vẽ tranh digital
Facebook
Email
Print

Bạn đam mê vẽ tranh digital nhưng mỗi lần ngồi xuống vẽ lại bối rối, không biết nên phác thảo trước hay tô màu trước, hay làm sao để ánh sáng và màu sắc ăn nhập với nhau? Đừng lo, vì hầu hết mọi người khi bắt đầu đều từng gặp phải tình trạng này. Bí quyết nằm ở việc nắm vững quy trình vẽ chuẩn, hiểu rõ lý do từng bước thay vì chỉ chăm chăm vẽ cho nhanh.

Quy trình vẽ tranh digital là các bước logic để đảm bảo sản phẩm cuối cùng vừa chính xác về kỹ thuật, vừa giàu cảm xúc. Xem hướng dẫn chi tiết ở từng ảnh về từng bước trong quy trình vẽ tranh digital, giải thích rõ lý do cần thực hiện.

Chúc bạn sớm tạo ra những tác phẩm xuất sắc.

Bước 1: Sketch ý tưởng - khởi đầu quan trọng nhất khi vẽ tranh digital

sketch ý tưởng vẽ tranh digital

Mọi bức tranh digital thành công đều bắt đầu từ một bản sketch tốt. Sketch không chỉ để phác ý tưởng mà còn phải thể hiện rõ định hướng ánh sáng.

Ánh sáng là yếu tố quyết định cảm xúc và sự chân thực của tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến độ sâu, sự tương phản và không khí tổng thể.

Nếu bạn không xác định ánh sáng ngay từ đầu, các yếu tố khác như bóng đổ, bóng tối sẽ dễ bị mâu thuẫn, khiến tranh thiếu tính logic và mất tự nhiên. Đôi khi sự tính toán không cẩn thận sẽ dẫn đến các mảng sáng tối không hợp lý làm ảnh hưởng đến sự cân bằng bố cục của bạn.

Ở giai đoạn này, kiến thức về bố cục, không gian, phối cảnh và kết cấu là bắt buộc. Bạn cần hiểu rõ tỉ lệ, điểm tụ, khoảng cách, các khối hình cơ bản để sketch không bị méo mó.

Đây cũng là bước tốn thời gian nhất và khó nhất của bạn. Một bản sketch tốt về bố cục và ánh sáng sẽ là nền móng vững chắc cho toàn bộ quá trình vẽ. Nó cũng tạo cho bạn cảm hứng tốt hơn để triển khai những bước tiếp theo.

Bước 2: Line Art & Value - nền tảng vững chắc cho tranh digital

value khi vẽ tranh digital

Sau khi sketch, bước tiếp theo là line art nhằm làm rõ hình khối, biên giới các mảng, giúp bạn kiểm soát bố cục tổng thể trước khi bắt đầu tô màu. Đừng vội sang bước vẽ chi tiết, vì lúc này bạn chưa có dữ liệu đủ vững chắc để đảm bảo sự chính xác.

Song song với line art, value là công đoạn giúp bạn xác định mức độ tương phản, phân bổ sáng tối cho các vùng khác nhau trong tranh. Bạn có thể bắt đầu bằng value đen trắng để dễ kiểm soát độ sâu, hoặc vẽ base color (màu cơ bản) nếu đã có sự tự tin về bảng màu. Dù chọn cách nào, mục tiêu chính vẫn là đảm bảo tranh có độ tương phản hợp lý, tránh hiện tượng tranh “phẳng” thiếu điểm nhấn.

Bước 3: Vẽ màu (Coloring) & tips phối màu hiệu quả khi vẽ tranh digital

Ở bước này, nhiệm vụ của bạn là phát triển bảng màu từ base color, hòa trộn các mảng màu lớn, điều chỉnh độ bão hòa và nhiệt độ màu để phù hợp với concept ban đầu. Chú ý đến mối quan hệ giữa các tông màu, vì sự chênh lệch màu không phù hợp có thể phá vỡ không khí tổng thể của bức tranh digital.

Một mẹo quan trọng: luôn so sánh màu bạn đang vẽ với màu xung quanh thay vì chỉ nhìn riêng lẻ, vì mắt người dễ bị “lừa” khi đặt màu trong các bối cảnh khác nhau. Ngoài ra, bạn nên giới hạn số lượng màu chủ đạo để tranh không bị loạn, sau đó thêm màu phụ để tạo sự sinh động.

Bước 4: Render Details - bước hoàn thiện tranh digital của bạn

Lưu ý quan trọng: đây mới là bước để đặc tả, bạn không nên coi đây là bước đầu tiên trong quá trình vẽ digital. Thực tế, chỉ khi bạn đã hoàn thành base color, ánh sáng, value và xác định chính xác hình khối, mới nên chuyển sang render. Đây là giai đoạn để bổ sung texture, tả chất liệu, thêm chi tiết nhỏ như vết xước, highlight, hoặc các hiệu ứng đặc biệt.

Render không chỉ nhằm làm tranh sắc nét mà còn giúp củng cố câu chuyện, làm nổi bật điểm nhìn chính. Bạn cần kiểm soát độ chi tiết theo nguyên tắc: chi tiết nhất ở điểm nhấn, giảm dần ở vùng phụ để dẫn dắt mắt người xem.

Vậy thì liệu tả tốt có phải là điều cốt lõi giúp vẽ tranh digital thành công hay không?

Câu trả lời là nếu bạn tả chi tiết rất tốt trên nền một bức tranh digital với bố cục tệ, hình khối tệ và ánh sáng sai lệch thì bạn đang làm một điều vô nghĩa. Bức tranh đó vẫn xấu vì nó vốn đã tệ từ đầu rồi.

Bạn có bố cục tốt, ánh sáng hợp lý, hình khối, không gian tốt thì bức tranh đó dù diễn tả không quá chi tiết cũng đã đẹp rồi. Việc diễn tả chi tiết chỉ nhằm nhấn mạnh hoặc tăng thêm thông tin cần mang lại theo ý đồ của bạn. Tả hết toàn bộ bức tranh cũng không phải là điều nên làm.

Hãy tả có chọn lọc để việc diễn tả trở nên có giá trị và mang lại hiệu quả cao hơn cho bức tranh digital của mình.

Facebook
Email
Print

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN